5 loại bánh gói lá Việt Nam khiến người xem không thể phân biệt

5 loại bánh gói lá Việt Nam khiến người xem không thể phân biệt

Có thể nói là bộ ba của nền ẩm thực Việt Nam, những viên ngọc trên vương miện, phở, bánh mì và chả giò là những món ăn nổi tiếng nhất của đất nước này. Bên cạnh đó, đất nước hình chữ S còn nổi tiếng với các loại bánh truyền thống đa dạng từ hương vị đến hình dạng. Chẳng hạn như bánh chưng, bánh dày, bánh xèo,… Nguyên liệu chính làm nên những chiếc bánh này là gạo, lúa mì, bột nếp, vừng mè,.. Bạn có thể tìm thấy những món này ở mọi ngóc ngách của Việt Nam. Từ những nhà hàng cao cấp đến những vỉa hè đơn giản với vài chiếc ghế đẩu và bàn nhựa.

Phân biệt các loại bánh truyền thống có hình dạng khá giống nhau

Một món ăn, giống như mọi yếu tố khác của cuộc sống, phải đạt được sự cân bằng. Người Việt Nam tôn vinh sự cân bằng đó và áp dụng triết lý cổ xưa vào món ăn của mình để làm được điều đó. Mỗi thành phần được sử dụng để tạo ra hương thơm và hương vị tương ứng với năm yếu tố của tự nhiên. Ngoài ra, ẩm thực Việt Nam còn đa dạng theo từng vùng miền. Nếu có cơ hội được trải nghiệm các món bánh truyền thống từ Nam ra Bắc, có lẽ bạn sẽ bất ngờ vì hương vị và cách chế biến của từng nơi. Một loại bánh cùng tên nhưng ở mỗi miền, chúng được chế biến theo một cách riêng biệt. Không nơi nào giống nơi nào.

Ngoài bánh chưng, bánh giò, bánh tẻ…, Việt Nam còn vô số các loại bánh khác được gói bằng lá. Từ lá dừa, lá chuối, lá dong, lá gai, lá dứa,… Cùng với phần nhân thay đổi tuỳ vùng miền rồi đem đi hấp/ luộc/ nướng đã trở thành nét đặc trưng của ẩm thực Việt.

Nhưng các món bánh lá này cũng vì lớp lá mà ngoại hình na ná nhau. Nhiều người hay bị nhầm lẫn. Hãy xem thử liệu bạn có phân biệt được những món bánh trứ danh này không nhé!

Bánh gio

bánh gio

Bánh gio hay còn gọi là bánh tro, bánh ú tro, bánh nắng. Đây là một loại bánh được làm từ gạo nếp ngâm qua nước tro (tro thường từ các loại thảo mộc, dược liệu đốt thành) rồi gói lá đem luộc chín trong nồi. Loại bánh này trước kia thường xuất hiện trong lễ cúng gia tiên của người Việt vào ngày Tết Đoan ngọ. Bánh tro ăn với mật mía rất hợp, vừa ngọt mát, vừa tốt cho tiêu hoá. Hiện nay, bánh tro được làm và bán quanh năm trên khắp các vùng miền trong cả nước.

Bánh tẻ

bánh tẻ

Bánh tẻ, còn được gọi là bánh răng bừa, là loại bánh truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bánh được làm từ bột gạo tẻ. Gói bằng lá dong hoặc lá chuối và được luộc chín. Mỗi địa phương đều có phương pháp chế biến khác nhau. Nhưng đều phải qua 2 công đoạn chính là làm nhân và vỏ bánh. Gạo làm phần vỏ bánh được xay thành bột nước, sau đó đun nhỏ lửa. Vừa đun vừa liên tục khuấy để bột mềm và tránh vón cục. Nguyên liệu để làm nhân bánh tẻ truyền thống gồm gạo tẻ, thịt lợn vai, mộc nhĩ. Nhiều địa phương có thể cho thêm lạc, nấm hương. Hiện nay, ngoài bánh nhân thịt, còn có thêm nhân đỗ. Sau khi đã xong vỏ và nhân, người ta lấy một lượng vừa phải phần bột đã cô đặc, đặt lên lá dong rồi rải thịt lên lớp bột rồi cuốn lại theo hình thuôn dài và luộc chín.

Bánh giò

bánh giò

Bánh giò được làm từ bột gạo tẻ và bột năng, hoà cùng nước xương hầm. Nhân mặn làm từ thịt nạc vai lợn, trộn với nấm mộc nhĩ, hành, hạt tiêu, nước mắm, muối… Đôi khi bánh còn có cả nhân trứng cút. Món bánh này có đặc trưng là có hình dáng như khối tam giác giống kim tự tháp. Được gói bằng lá chuối và hấp bằng chõ. Bánh thơm, ngọt và bùi hương gạo tẻ, đậm đà vị thịt và giòn giòn, sần sật phần nấm. Đây là món bánh có xuất xứ miền Bắc nhưng được người dân mọi miền yêu thích như một thức ăn sáng hoặc ăn nhẹ.

Bánh phu thê

bánh phu thê

Bánh phu thê hay còn gọi là bánh xu xê, có nguồn gốc từ Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, chỉ cái tên thôi cũng khiến bạn liên tưởng tới đám cưới, tới cô dâu – chú rể. Và đúng như vậy vì đây là loại bánh được sử dụng ở các đám cưới và đám hỏi của nhiều vùng miền ở Việt Nam. Vỏ bánh phu thê thường làm từ bột năng. Nhân bánh là đỗ xanh ngâm kỹ, đãi sạch vỏ, đem hấp chín, nghiền mịn, trộn đường và dừa sợi. Bánh thường được gói bằng hai lớp lá, bên trong là lá chuối chống dính, bên ngoài là lá dừa. Ở các đám cưới, đám hỏi, bánh có thể được bọc thêm một lớp giấy màu đỏ. Bánh có vị ngọt của nhân, dai dai của vỏ bánh.

Bánh ít

bánh ít

Bánh ít được làm từ gạo nếp xay nhuyễn thành bột tạo nên kết cấu mịn, dai và mềm. Nhân bánh thường được làm từ đậu xanh hoặc dừa. Bánh ít có nhiều hình dáng trên khắp mọi miền nhưng ở miền Nam thì có hình chóp nhọn tương tự như bánh ú và bánh giò. Đây là một thức quà truyền thống ở các vùng quê miền Nam, được đông đảo trẻ em yêu thích. Bánh ít nhân mặn thường được ăn cùng với nước mắm, mỡ hành. Thoạt nhìn thì bánh ít khá giống với bánh giò, song do làm từ gạo nếp nên bánh ít dai hơn.

Nguồn: kenh14.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sự kiện - Lễ hội